Cho con uống đủ nước, mặc đồ sáng màu, giữ cơ thể mát mẻ, nghỉ ngơi trong bóng mát… giúp trẻ hồi phục thể lực sau khi hoạt động ngoài trời nóng.
Vui chơi và tập thể dục ngoài trời rất có lợi cho sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ. Tuy nhiên, nhiệt độ cao, nắng nóng có thể khiến trẻ bị ốm vì nhiều lý do như mất nước, kiệt sức, chuột rút, say nắng... Nhiệt độ quá cao còn có thể gây khó chịu cho cả trẻ, người chăm sóc chúng.
Do đó, khi thời tiết nắng nóng, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được theo dõi sát. Đổ mồ hôi khiến cơ thể bé mất nước nhanh chóng, cha mẹ nên cho con uống nước thường xuyên, mặc quần áo mỏng nhẹ, giữ mát. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi có thể không có các dấu hiệu kiệt sức vì nhiệt cho đến khi ốm nặng. Chúng có thể trông ốm yếu hoặc cáu kỉnh với các biểu hiện như cơ thể mềm nhũn, khô da, không chịu bú hoặc thay ít tã hơn bình thường. Ngoài ra, thóp (vùng mềm trên đỉnh đầu của trẻ) cũng có thể thấp hơn bình thường.
Cha mẹ nên liên hệ với bác sĩ nhi khoa ngay lập tức khi trẻ có các triệu chứng bao gồm: chóng mặt, kiệt sức (buồn ngủ bất thường, mê man hoặc khó đánh thức), đau đầu, sốt, khát quá mức, giảm đi tiểu, tiểu rắt, buồn nôn, nôn mửa, thở bất thường, tê hoặc ngứa ran trên da, đau cơ.
Trẻ thường xuyên vận động, tham gia các hoạt động ngoài trời trong mùa hè. Ảnh: Freepik
Dưới đây là những cách khác nhau bảo vệ con khỏi các bệnh và rủi ro liên quan đến nhiệt, chống lại nắng nóng.
Giữ cho bé luôn đủ nước
Vào những ngày nắng nóng, nên cho trẻ sơ sinh bú mẹ thường xuyên hơn, nhưng không cho uống nước, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời. Bởi vì trẻ cần các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ để phát triển, uống nước sớm khiến trẻ bú ít sữa mẹ dẫn đến suy dinh dưỡng. Trẻ bú sữa công thức có thể cho uống thêm sữa công thức. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ nên khuyến khích con uống nước thường xuyên, nếu đi ra ngoài, hãy mang theo chai nước.
Sử dụng kem chống nắng
Trẻ trên 6 tháng tuổi nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 15 hoặc cao hơn, thoa lại sau mỗi hai tiếng. Trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nên cho trẻ ở trong bóng râm. Kem chống nắng có thể bảo vệ trẻ khỏi tia UV có hại nhưng không ngăn ngừa được nắng nóng.
Cho bé mặc đồ sáng màu
Khả năng tiết mồ hôi ở trẻ em thấp hơn người lớn. Vì vậy, phụ huynh nên chọn quần áo sáng màu, mỏng nhẹ, chỉ có một lớp chất liệu thấm hút để mồ hôi bay hơi nhanh nhất có thể.
Dành thời gian nghỉ ngơi
Nhiệt độ cao có thể khiến trẻ và cha mẹ mệt mỏi, buồn ngủ, cáu kỉnh. Do đó, sau khi hoạt động ngoài trời, nên cho bé vào trong nhà để làm mát cơ thể, nghỉ ngơi và bổ sung nước.
Giữ cho cơ thể bé mát mẻ
Nếu bé có thân nhiệt, cha mẹ hãy cho con tắm nước mát hoặc lau người bằng nước mát sau khi ráo mồ hôi để làm dịu cơn nóng. Bơi lội là một môn thể thao vừa giúp trẻ duy trì vận động, giúp hạ nhiệt. Để tránh đuối nước, người lớn phải luôn giám sát con khi bơi hoặc chơi dưới nước.
Không bao giờ để bé trong ô tô một mình
Ngay cả khi mở cửa sổ, bên trong ô tô vẫn có thể tăng nhiệt trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này rất nguy hiểm đối với trẻ.
Theo dõi tình trạng sức khỏe
Một số loại thuốc có thể làm tăng độ nhạy cảm của bé với ánh nắng mặt trời, làm tăng nguy cơ say nắng. Nếu trẻ đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để có phương pháp bảo vệ con khỏi nắng nóng phù hợp.
Ở nhiệt độ cao, trẻ sơ sinh, trẻ bị ốm cần được chú ý nhiều hơn. Ngay cả với những bệnh nhẹ như cảm lạnh hoặc viêm dạy dày và ruột, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng cần được chú ý đặc biệt. Những rối loạn này thường tự làm tăng nhẹ nhiệt độ cơ thể trẻ, nhưng nó có thể dẫn đến mất nước khi thời tiết nóng bức.
Châu Vũ (Theo Indian Express)